Posted by : Unknown 31 tháng 8, 2013

Ngày 16/8/2013, phim truyện "Jobs" ra mắt khán giả tại Mỹ. Phim "Jobs" phác họa chân dung của Steve Jobs - người sáng lập Công ty Apple. Tuy chân dung không là người thực, nhưng cũng gợi cho người xem nhiều nghĩ suy.

Phim truyện Jobs kể lại một phần cuộc đời Steve Jobs, từ lúc bỏ học ở Đại học Reed đến khi trở lại với Apple và tạo ra sản phẩm iPod thành công vang dội. Đạo diễn Joshua Michael Stern bắt đầu lên kế hoạch làm phim Jobs từ khi Steve Jobs rời khỏi chức vụ giám đốc điều hành Apple vào tháng 8/2011 do sức khỏe của ông có chiều hướng xấu. Vai Steve Jobs được giao cho diễn viên Ashton Kutcher. Diễn viên Josh Gad nhận vai Steve Wozniak - người bạn thân thiết của Jobs, cùng Jobs sáng lập Công ty Apple.




Tuy từng có phim truyền hình Pirates of Silicon Valley (1999) về cuộc đời Steve Jobs, phim Jobs vẫn được khán giả chờ đợi vì tuổi trẻ của Jobs vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Không ít người vẫn chỉ biết Steve Jobs là người mặc quần bò, áo thun đen, cổ lọ, giới thiệu iPhone, iPad của Apple. Nhiều người muốn biết thêm về chuyến du hành của chàng Jobs trẻ măng tại Ấn Độ và điều gì thúc đẩy anh đến với Phật giáo.

Nhóm làm phim đã lùng sục eBay để mua lại những máy tính cũ của thập niên 1970, 1980. Một số cảnh quay được thực hiện tại chính ngôi nhà nơi Jobs lớn lên. Một số cảnh quay được thực hiện tại Ấn Độ. Theo đạo diễn Stern, phần lớn lời thoại trong kịch bản lấy từ những phát biểu của Jobs và Wozniak trong nhiều cuộc phỏng vấn. Stern cũng nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều tư liệu về Jobs, đặc biệt là quyển Steve Jobs của Walter Isaacson, được viết theo yêu cầu của Jobs (có một dự án làm phim khác dựa trên quyển sách này).

Từ các buổi chiếu phim giới thiệu đến những ngày đầu ra rạp, giới truyền thông tuy khen ngợi phim Jobs tái hiện trung thực xã hội Mỹ trong thập niên 1970, nhưng hầu như không đánh giá cao phim Jobs. Tại IMDb , phim Jobs chỉ đạt điểm 5.5/10. Nhà bình luận Emily Price của tạp chí Mashable cho rằng phim Jobs làm thất vọng cả hai loại khán giả: khán giả muốn xem phim giải trí (như phim The Social Network kể về Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook - với nhiều hư cấu) và khán giả muốn hiểu sâu hơn về cuộc đời Steve Jobs. Nhiều ý kiến cho rằng phim Jobs không có gì mới, chỉ tái hiện những điều "ai cũng biết" về Steve Jobs, lại quá chú trọng đến những sự kiện, thay vì khắc họa tính cách đặc biệt của một con người lừng danh. Wozniak khen ngợi diễn xuất của các diễn viên nhưng cũng cho rằng tính cách nhân vật không giống với người thực, vai của Gad không giống ông và vai của Kutcher không giống Jobs.


So sánh diện mạo Steve Jobs và diễn viên Ashton Kutcher.


Hai diễn viên chính đã học cách làm việc với mạch điện tử để vào vai Steve Jobs (trái) và Steve Wozniak.


Steve Jobs (Ashton Kutcher) và người vợ yêu Laurene Jobs (Abby Brammell) trong phim "Jobs"

Nhìn chung, phim kể về nhân vật có thực luôn giống như một bức tranh hơn là ảnh chụp. Bức tranh tuy không hoàn toàn giống người thực vẫn có giá trị riêng để thưởng lãm. Trên trang tin Forbes , nhà bình luận Carmine Gallo nhắc lại mười câu nói gây ấn tượng của Jobs được đưa vào kịch bản phim Jobs, khiến người xem phải suy ngẫm về cách "nghĩ khác" của Jobs, thể hiện bằng hành động mạnh mẽ trong suốt cuộc đời ông:

1. " I’m not dismissing the value of higher education; I’m simply saying it comes at the expense of experience"
(Tôi không bác bỏ giá trị của giáo dục đại học, tôi chỉ đơn giản nói rằng bạn phải trả giá cho việc học bằng thời gian tích lũy kinh nghiệm). Jobs cho rằng kinh nghiệm cuộc sống, bao gồm toàn bộ sự hấp thụ văn hóa, là yếu tố quan trọng nhất của sáng tạo. Càng giàu kinh nghiệm, càng giàu sáng tạo. Theo cách nghĩ thông thường, kinh nghiệm là thói quen, là cái cũ, thường cản trở cái mới hình thành. Đối với Jobs, những gì thu nhận từ lớp dạy viết chữ đẹp mà ông tham gia sau khi từ bỏ việc học nhàm chán ở Đại học Reed, những gì đến với ông trong chuyến đi Ấn Độ đều góp phần vào việc thiết kế sản phẩm.

2. " The greatest artists like Dylan, Picasso and Newton risked failure. And if we want to be great, we’ve got to risk it too"
(Những nghệ sĩ tuyệt vời như Dylan, Picasso và Newton đều chấp nhận thất bại. Nếu muốn thành công, chúng ta cũng phải chấp nhận thất bại). Trong suốt cuộc đời, Jobs luôn tiến bước, không ngần ngại. Khi mới 12 tuổi, cậu bé Jobs gọi điện cho Bill Hewlett - người sáng lập Công ty HP - để nói điều mình muốn và cuối cùng nhận được nhiều hơn những gì cậu muốn: việc làm tại HP trong mùa hè. Jobs cho rằng việc đề đạt nguyện vọng, đòi hỏi điều mình muốn là điểm phân biệt người hành động, người tạo lập với người chỉ biết mơ ước.

3. " How does somebody know what they want if they haven’t even seen it?"
(Làm sao người ta biết được cái người ta muốn nếu họ chưa từng nhìn thấy nó?). Jobs không tin vào việc chế tạo sản phẩm theo thông tin từ những cuộc thăm dò ý kiến người tiêu dùng. Jobs chỉ muốn tạo ra sản phẩm mà chính ông thích dùng nó. Trong những quyết định quan trọng, Jobs chỉ dựa vào trực giác của mình. Năm 2010, trước khi iPad xuất hiện, có lẽ không ai cảm thấy có nhu cầu dùng máy tính bảng. Jobs không điều tra thị trường trước khi sản xuất iPad, chính iPad đã tạo ra thị trường hoàn toàn mới.

4. " Everything around you that you call life was made up by people that were no smarter than you, and you can change it, you can influence it, you can build your own things that other people can use"
(Mọi thứ chung quanh mà bạn gọi là đời sống được tạo nên bởi những người không thông minh hơn bạn và bạn có thể thay đổi nó, tác động vào nó, tạo ra những thứ của riêng bạn mà người khác cũng dùng được). Câu nói này cũng thể hiện phong cách "không ngần ngại" của Jobs. Đó là cách nghĩ của người tạo lập, của nhà công nghiệp. Diễn viên Kutcher rất thích câu nói này của Jobs, có liên quan đến nghề nghiệp của anh. Kutcher đã nhắc lại câu nói trong một cuộc phỏng vấn, xem là điều sâu sắc mà anh học được từ vai diễn Jobs. Câu nói được trích từ phát biểu của Jobs trong cuộc phỏng vấn Jobs năm 1995 do Hội nghiên cứu lịch sử Santa Clara Valley thực hiện: "Khi bạn lớn lên, người ta thường nói với bạn rằng thế giới là như thế và bạn chỉ việc sống một đời bình thường, đừng quá cố gắng húc đầu vào tường. Đó là kiểu sống hết sức hạn chế. Cuộc sống sẽ rộng lớn hơn nhiều nếu bạn phát hiện một điều đơn giản: mọi thứ chung quanh mà bạn gọi là đời sống được tạo nên bởi những người không thông minh hơn bạn và bạn có thể thay đổi nó, tác động vào nó, tạo ra những thứ của riêng bạn mà người khác cũng dùng được. Hãy vứt bỏ định kiến sai trái rằng cuộc sống là như thế và chỉ việc sống bình thường. Hãy tạo ra dấu ấn của mình trong cuộc sống. Một khi hiểu được điều đó, bạn sẽ thấy mình không bao giờ trở lại như cũ nữa".

5. " I would rather gamble on our vision than make a ‘me, too’ product"
(Tôi đặt cược vào việc chế tạo sản phẩm theo tầm nhìn của mình, chứ không tạo ra sản phẩm 'góp mặt' với những gì đã có). Steve Jobs luôn tin vào những giấc mơ lớn. Đầu thập niên 1970, khi những người yêu thích kỹ thuật điện tử bắt đầu tự chế tạo tại nhà những máy tính điện tử được lập trình thô sơ để... chơi, Jobs đã nghĩ đến việc đặt những chiếc máy ấy vào tay người bình thường. Jobs đã từng tiếc cho Công ty Xerox có một đội ngũ nhà khoa học kiệt xuất ở trung tâm nghiên cứu PARC tại Palo Alto (nơi tạo ra máy tính có giao diện đồ họa) nhưng lại có tầm nhìn hạn chế đến mức không dám triển khai sản phẩm mới, mà chỉ thực hiện việc cải tiến sản phẩm truyền thống: máy sao chụp (photocopier).

6. " We’ve got to make the small things unforgettable"
(Chúng ta phải làm cho những chuyện vặt vãnh tạo nên ấn tượng không thể nào quên). Câu nói này dường như phù hợp với phương châm "God is in the details" (Thượng Đế hiện diện trong chi tiết). Jobs say mê với cái đẹp của sản phẩm trong từng chi tiết. Ông từng làm cho nhiều kỹ sư của Apple khó chịu khi đòi hỏi thiết kế các bộ phận bên trong sản phẩm phải đẹp, dù khách hàng không bao giờ nhìn thấy. Một công ty bao bì tại Modesto, California từng cung cấp hộp chứa cho sản phẩm của Apple kể rằng trong số hàng ngàn nhãn hiệu mà họ phục vụ, không có công ty nào đặt ra nhiều yêu cầu "dị thường" như Apple. Jobs yêu cầu tạo ra cảm giác nhất định khi người mua nhìn vào hộp chứa ở những góc nhìn khác nhau, khi người mua chạm vào hộp chứa. Jobs cũng có yêu cầu riêng về tiếng động phát ra khi người mua mở hộp chứa iPhone. Với Jobs, những chi tiết nhỏ có ý nghĩa riêng.

7. " Here’s to the crazy ones. The misfits. The rebels. The trouble-makers. The round pegs in the square holes. The ones who see things differently…they change things. They push the human race forward. And while some may see them as the crazy ones, we see genius"
(Đây là những người dở hơi, lập dị, nổi loạn, gây rối. Những người không tuân theo luật lệ. Những người nhìn sự vật theo cách khác biệt. Họ là những người thay đổi mọi việc, những người thúc đẩy cuộc đua của nhân loại tiến lên. Chúng tôi xem họ là những tài năng dù họ có vẻ điên khùng trong mắt nhiều người). Jobs luôn tự hào rằng những người ông chọn để thiết kế máy tính Macintosh lẽ ra là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà sinh học hoặc sử học nhưng duyên phận đưa đẩy trở thành... chuyên gia máy tính. Jobs luôn có cách dùng người khác thường, luôn muốn tìm người có quan điểm khác lạ, ở bên ngoài khuôn khổ "truyền thống".

8. " You’ve got to have a problem that you want to solve; a wrong that you want to right"
(Bạn phải tìm ra vấn đề mà bạn muốn giải quyết, phải tìm ra sai lầm mà bạn muốn chỉnh sửa). Khi giới thiệu sản phẩm, Jobs luôn trình bày những vấn đề mà sản phẩm của Apple có khả năng giải quyết. Khi giới thiệu cửa hàng âm nhạc iTunes vào năm 2003, Jobs thuyết phục người nghe về giải pháp cho thị trường âm nhạc, trong tình trạng âm nhạc số hóa miễn phí tràn lan trên mạng. Jobs thuyết phục người yêu âm nhạc bỏ ra 99 xu để mua tiện ích và chất lượng từ iTunes. Đó là vấn đề mà Jobs muốn giải quyết và Jobs đã giải quyết thành công vì chính ông cũng là người yêu âm nhạc.

9. " It has got to be something that you’re passionate about because otherwise you won’t have the perseverance to see it through"
(Bạn phải tìm thấy điều khiến bạn say mê trong việc bạn làm vì nếu không thế, bạn sẽ không có được sự kiên trì theo đuổi việc ấy). Tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Stanford năm 2005, Jobs từng nhấn mạnh về việc chọn đối tượng để yêu, để say mê, để theo đuổi trong đời: " Tôi hoàn toàn tin rằng điều duy nhất giúp tôi vượt qua mọi khó khăn là niềm say mê đối với những gì tôi làm. Các bạn phải tìm cho được đối tượng để yêu. Điều đó cần thiết cho công việc của các bạn cũng như cho đời sống lứa đôi. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời bạn, bạn chỉ có thể thực sự hạnh phúc nếu bạn tin công việc mình làm là tốt đẹp, và công việc của bạn chỉ có thể tốt đẹp nếu bạn yêu thích công việc đó. Nếu bạn chưa tìm thấy đối tượng để yêu, hãy tiếp tục tìm, đứng ngơi nghỉ. Cũng như mọi vấn đề của trái tim, bạn sẽ nhận ra ngay đối tượng để yêu khi nào bạn bắt gặp".

10. " In your life you only get to do so many things and right now we’ve chosen to do this, so let’s make it great"
(Trong cuộc sống có bao nhiêu việc chúng ta muốn làm và giờ đây chúng ta chọn làm việc này, vậy thì hãy làm cho tuyệt vời). Đây là yêu cầu "đơn giản" của Jobs đối với John Lasseter - người góp phần quan trọng trong câu chuyện thành công của xưởng phim hoạt hình Pixar. Lasseter kể rằng Jobs đã nói như vậy trong buổi họp đầu tiên sau khi Jobs mua lại Pixar (1986). Không chỉ làm, mà phải làm cho hay! Là một nhà công nghiệp, lúc đầu Jobs nhìn thấy giá trị của Pixar về mặt công nghệ. Nhưng là người yêu nghệ thuật, Jobs chấp thuận cho Pixar theo đuổi nghiệp điện ảnh và từ ngày ấy ông đã nghĩ đến việc cạnh tranh với Disney! Đối với người say mê sáng tạo nghệ thuật như Lasseter, câu nói ngắn của Jobs đánh dấu một thời điểm có ý nghĩa quyết định cho cả cuộc đời, không thể nào quên.

Tham khảo Echip

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

LƯỢT TRUY CẬP

XEM NHIỀU NHẤT

LƯU TRỮ

QUẢNG CÁO

- Copyright © HackExpress - Cộng đồng công nghệ thông tin -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -